GIỚI THIỆU XÃ TÂN CƯƠNG, THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

 

1. Tóm tắt quá trình hình thành, phát triển làng xã

Xã Tân Cương được thành lập ngày 18/12/1926.  Những năm từ 1930 đến 1945, do cuộc sống khó khăn nên một số người dân từ các tỉnh Nam Định, Thái  Bình, Hưng Yên,… đã di cư lên Thái Nguyên, trong đó có xã Tân Cương để kiếm kế sinh nhai, rồi định cư lập nghiệp ở đây.

Thực hiện Thông tư số 17-PHC, ngày 11/1/1946 của Uỷ ban Hành chính Bắc bộ về việc sáp nhập các xã nhỏ thành xã lớn… Đầu năm 1946, huyện Đồng Hỷ đã bãi bỏ cấp tổng, sáp nhập các làng, xã . Thực hiện chủ trương đó,  các xã Tân Cương, Thịnh Đức, Cương Lăng, Ỷ Na được sáp nhập thành xã Đức Tân.

Đến năm 1951, xã Bá Sơn và xã Đức Tân được sáp nhập thành một xã lấy tên là xã Tân Cương.

Năm 1953, thực hiện chính sách giảm tô và cải cách ruộng đất, để thuận tiện trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền, ngày 21/9/1953 xã Tân Cương được tách ra thành 3 xã là Tân Cương, Thịnh Đức và xã Bình Sơn. Tại thời điểm sau khi được chia tách, xã Tân Cương có 8 xóm: Hồng Thái, Đội Cấn, Y Na, Soi Vàng, Nam Hưng, Nam Thái, Guộc, Nhà Thờ với 2.323 nhân khẩu.

Xã có 1 chi bộ Đảng với có 42 đảng viên. Chi uỷ do đồng chí Đào Hồng Liên giữ chức Bí thư, đồng chí Trần Văn Sang giữ chức Phó Bí thư; các Chi uỷ viên có các đồng chí: Nguyễn Văn Khôi, Phạm Đức Phương, Hà Hữu Lai.

Đồng chí Trần Văn Sang giữ chức Chủ tịch; đồng chí Hà Hữu Lai giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính (kiêm Xã đội trưởng). Uỷ viên Ủy ban kháng chiến hành chính gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Khôi, Phạm Đức Phương (Trưởng ban Công an) và Mai Thanh Khiêm.

Hoạt động của xã dưới sự chỉ đạo của chi bộ và Ủy ban hành chính kháng chiến của xã.

Thực hiện Nghị quyết số 103 ngày 21/4/1965 của UBTVQH (khóa III), tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn được hợp nhất thành tỉnh Bắc Thái và có hiệu lực từ ngày 01/7/1965; từ thời điểm này xã Tân Cương thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái.

Năm 1973, Chính phủ triển khai xây dựng hệ thống công trình thuỷ lợi Núi Cốc để phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH. Khi thực hiện xây dựng công trình này, có 40 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu đã di chuyển từ vùng lòng hồ đến khu vực Ba Vũng để tái định cư. Năm 1984, cụm dân cư này được đặt tên là xóm Tân Thái. Xã Tân Cương có 09 xóm với khoảng 2520 nhân khẩu.

Ngày 02/4/1985, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 102/QĐ-HĐBT tách 7 xã của huyện Đồng Hỷ để sáp nhập vào TP Thái Nguyên, từ ngày 01/7/1985 xã Tân Cương là đơn vị hành chính trực thuộc TP Thái Nguyên, tỉnh Bắc Thái.

Đến tháng 01/1997, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ mười ngày 06/11/1996, tỉnh Bắc Thái chia tách thành 2 tỉnh: Bắc Kạn và Thái Nguyên. Từ đó xã Tân Cương thuộc TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2001, UBND tỉnh Thái Nguyên thục hiện chủ trương việc chia tách, sáp nhập các xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Để thuận lợi cho công tác lãnh đạo, quản lý và phát triển KT-XH, UBND xã Tân Cương đã lấy ý kiến cử tri, đề nghị cấp có thẩm quyền tách 9 xóm thành 16 xóm theo lộ trình:

Tháng 3/1999, tách 1 phần xóm Nam Hưng và xóm Nam Thái để thành lập xóm Nam Đồng.

Cuối năm 1999, tách xóm Nam Hưng (lần 1) thành 2 xóm: Nam Hưng và Nam Tân; tách xóm Guộc thành 2 xóm: Guộc và Lam Sơn; tách xóm Hồng Thái thành 2 xóm: Hồng Thái I và Hồng Thái II.

Năm 2000, tách xóm Đội Cấn thành 2 xóm: Đội Cấn và Gò Pháo.

Năm 2001, tách xóm Y Na  thành 2 xóm: Y Na I và Y Na II. Tách xóm Nam Hưng (lần 2) thành 2 xóm: Nam Hưng và Nam Tiến.

Từ cuối năm 2001 đến tháng cuối năm 2019, xã Tân Cương có 16 xóm, gồm: Tân Thái, Soi Vàng, Hồng Thái I, Hồng Thái II, Gò Pháo, Đội Cấn, Nam Thái, Nam Đồng, Nam Hưng, Nam Tiến, Nam Tân, Guộc, Lam Sơn, Nhà Thờ, Y Na I, Y Na II.

Thực hiện Nghị quyết số 79/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh Thái Nguyên v/v sáp nhập, đổi tên xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, xã Tân Cương còn 12 xóm, gồm: Tân Thái, Soi Vàng, Hồng Thái I, Hồng Thái II, Gò Pháo, Đội Cấn, Nam Thái, Nam Đồng, Nam Hưng, Lam Sơn, Guộc, Y Na.

(sáp nhập các xóm: Nam Tiến và Nam Hưng thành xóm Nam Hưng; sáp nhập các xóm: Nam Tân và Nam Đồng thành xóm Nam Đồng; sáp nhập các xóm Nhà Thờ và Guộc thành xóm Guộc; sáp nhập các xóm Y Na I, Y Na II thành xóm Y Na).

II. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, CON NGƯỜI, VĂN HOÁ

1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên

Xã Tân Cương nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 11 km về phía Tây, có diện tích 1.459,03 ha (trong đó, đất nông nghiệp chiếm 82%); đất đai màu mỡ, rất thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp. Xã Tân Cương có địa giới hành chính  giáp xã Bình Sơn, thành phố Sông Công; xã Phúc Tân, thành phố Phổ Yên; xã Thịnh Đức, xã Phúc Trìu – thành phố Thái Nguyên.

Địa hình Tân Cương chủ yếu là gò đồi thấp dạng bát úp. Thổ nhưỡng ở Tân Cương chủ yếu là đất feralit vàng đỏ và đất phù sa do sông Công bồi đắp tích tụ lâu đời. Loại đất này thích hợp trồng lúa, màu, cây công nghiệp, đặc biệt là cây chè. Khí hậu ở Tân Cương mang đặc trưng của vùng trung du nhiệt đới ẩm, gió mùa, lượng mưa trung bình hàng năm đạt 1.500mm – 2.250mm; nhiệt độ trung bình trong năm đạt 23,20C. Trên địa bàn xã có 01 dòng sông Công và 02 dòng suối: suối Đá, suối Cầu Tây chảy qua, góp phần tưới tiêu cho diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã.

2. Con người

Xã Tân Cương có 12 xóm, 1.605 hộ, gần 6.000 nhân khẩu; trong đó có hơn 400 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số; không có cộng đồng người DTTS tập trung. Nhân dân trong xã sinh sống đoàn kết, hòa thuận, nhân ái; cần cù, sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá gắn với thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

III. KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Kinh tế

Xã Tân Cương có 1.198 ha đất nông nghiệp, trong đó có 197 ha đất trồng lúa; 350 ha đất trồng chè; 448 ha đất trồng rừng sản xuất, còn lại là đất nông nghiệp khác.

Là một trong những xã đầu tiên của thành phố Thái Nguyên đi tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới của thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, xã Tân Cương đã thành công trong việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xã đã xây dựng thành công và được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận xã Tân Cương đạt tiêu chuẩn xã Nông thôn mới năm 2015; đạt tiêu chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao (giai đoạn 2018-2020) năm 2021, đạt tiêu chuẩn chuẩn xã Nông thôn mới kiểu mẫu (giai đoạn 2022-2025) năm 2022.

Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của xã Tân Cương. Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu là sản phẩm “Chè Tân Cương”. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý "Tân Cương" cho sản phẩm chè Tân Cương. Nhiều sản phẩm Chè Tân Cương đạt tiêu chuẩn OCOP từ 4 sao đến 5 sao. Sản phẩm Chè Tân Cương nổi tiếng đã trở thành món quà tặng đặc trưng không thể thiếu của người Việt, bày tỏ tấm lòng trân trọng, hiếu khách của người tặng đối với được tặng quà.

Ngày nay, bà con nhân dân đã biết gắn kết gắn sản phẩm Chè Tân Cương,  với các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp,... theo xu thế chung và thị hiếu của khách du lịch. Tân Cương đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành điểm du lịch thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và khám phá, thư giãn trong những tour du lịch ngắn ngày kết hợp với các điểm du lịch nổi tiếng khác quanh thành phố Thái Nguyên, tạo thành điểm nhấn khó quên trong lòng du khách, góp phần phát triển nông nghiệp gắn với kinh doanh dịch vụ tại địa phương, tiếp tục nâng cao và phát triển mạnh mẽ thương hiệu Chè Tân Cương – Đệ nhất Danh trà trên thị trường trong và ngoài nước.

2. Xã hội

a) Về Văn hoá, Thể thao, du lịch:

Nhân dân xã Tân Cương có đời sống văn hoá, tinh thần sôi nổi gắn bó chặt chẽ với văn hoá làng nghề chè truyền thống của địa phương. Năm 2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã cấp Giấy chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đối với “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” cho nhân dân các xã: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân thuộc thành phố Thái Nguyên.

Hàng năm, trên địa bàn xã Tân Cương đều duy trì tổ chức Lễ hội “Hương sắc Trà xuân – Vùng chè đặc sản Tân Cương” nhằm tôn vinh, lưu giữ, phát triển giá trị của cây chè, tôn vinh người làm chè, nghề làm chè của người dân Tân Cương; đồng thời, tạo không gian gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của người trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh chè ở Tân Cương nói riêng và trong, ngoài tỉnh nói chung.

Lễ hội “Hương sắc trà xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương” gồm có phần Lễ khai mạc và phần Hội. Mở đầu Lễ khai mạc hội Trà xuân là màn trống hội, tiết mục múa lân sư, các tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi sản phẩm chè Tân Cương và người nghệ nhân sản xuất chế biến chè. Nghi thức rước cây chè cổ - một nghi thức truyền thống tại Lễ hội hàng năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Lễ hội chè xuân Tân Cương. Vì vậy, nghi thức rước cây chè cổ là một hoạt động đặc biệt quan trọng trong Lễ hội Trà xuân hàng năm nhằm tiếp tục tôn vinh nghề trồng, chế biến chè; tôn vinh người làm chè; tôn vinh các Làng nghề chè truyền thống chè Tân Cương, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch cộng đồng, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục thực hiện các dự án, đề án để tiếp tục bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, TP Thái Nguyên gắn với điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương. Phần hội gồm có các hoạt động rất thú vị với đặc trưng của vùng chè, gồm: thi hái chè nhanh, thi sao chè thủ công, thi đóng gói chè, thi pha trà, thi văn nghệ; đồng thời Ban Tổ chức thường tổ chức thêm các hoạt động hướng tới lễ hội để tạo không khí phấn khởi và sân chơi lành mạnh cho nhân dân và du khách đấu xuân như: giải chạy phong trào, thi chọi gà, bóng chuyền hơi, đẩy gậy, đi cà kheo, cờ tướng. Lễ hội được tổ chức tại khu vực Không gian văn hoá Trà Tân Cương, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản cuất kinh doanh chè được dịp giao lưu, hợp tác và giới thiệu sản phẩm đến du khách trong và ngoài tỉnh.

Hệ thống thiết chế văn hoá trên địa bàn xã về cơ bản đáp ứng được sinh hoạt văn hoá văn nghệ – thể dục thể thao phục vụ cộng đồng dân cư. Phong trào văn hoá – thể thao trên địa bàn xã trong những năm gần đây ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hàng năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn xã đều tổ chức các giải thể thao để tăng cường giao lưu, gắn kết với nhau và góp phần tăng cường sức khoẻ của nhân dân trên địa bàn.

Trên địa bàn xã hiện có 02 di tích đã được xếp hạng:

Di tích lịch sử - văn hoá  Chùa Y Na, tại xóm Y Na, xã Tân Cương và di tích lịch sử - văn hoá “Địa điểm thành lập Trung đoàn 88 – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ở Gò Pháo (1949).

Đến với xã Tân Cương, du khách được thưởng thức không gian bình yên, xanh mướt của những nương chè; tham quan, trải nghiệm các dịch vụ du lịch cộng đồng ở Tân Cương và thưởng thức hương trà thơm dịu từ những tách trà Tân Cương chính hiệu và những sản phẩm ẩm thực đặc trưng của vùng chè nổi tiếng trong và ngoài nước.

b) Về giáo dục, y tế:

Trên địa bàn xã có 3 cơ sở giáo dục công lập, gồm: Trường Mầm non, Trường Tiểu học và Trường Trung học cơ sở Tân Cương. Xã Tân Cương hàng năm đều đạt chuẩn giáo dục phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, chuẩn xoá mù chữ mức độ 2. Các trường đều đạt trường chuẩn quốc gia; trong đó trường Tiểu học Tân Cương đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Trên địa bàn xã có 01 cơ sở y tế công lập là Trạm y tế xã. Xã Tân Cương đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 theo Quyết định số 1300/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

3. Những thành tích đạt được

Sau 70 năm từ khi tái thành lập ngày 21/9/1953 đến nay, Đảng bộ và Nhân dân xã Tân Cương đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Pháp; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì;  Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Chính phủ; được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác; 12 gia đình được tặng Bằng có công giúp đỡ Cách mạng; 6 người mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam anh hùng; 3 đồng chí được tặng danh hiệu cán bộ Lão thành Cách mạng; 6 đồng chí được tặng danh hiệu Cán bộ Tiền khởi nghĩa; hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu cao quý khác đã góp phần tô thắm cho truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất của xã Tân Cương. Ngày 13/3/2023 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký quyết định công nhận “Xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022”. Đặc biệt, ngày 10/01/2023 xã Tân Cương vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thăm.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Trong thời gian tới, xã Tân Cương sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và các nguồn lực để giữ vững và tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm trà, sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương gắn với phát triển du lịch cộng đồng vùng chè. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường thực hiện công tác chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Gắn phát triển kinh tế với công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; thực hiện tốt các chính sách chăm sóc người có công, đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng địa phương ngày càng phát triển bền vững và toàn diện.

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 173531

XÃ TÂN CƯƠNG - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Xóm Nam Đồng, Xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Tiến Sỹ

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân xã Tân Cương. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 02083 546 629