Phát huy vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong liên kết theo chuỗi giá trị gắn với hàng hóa sản phẩm chủ lực của địa phương, xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

2022-04-05 17:29:00.0

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cùng các đại biểu thăm quan khu vực trưng bày các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của các HTX tại Trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! Thái Nguyên

Nhận thức rõ điều đó, trong thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành và triển khai các nghị quyết, chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Đề án xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020; Đề án Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà, giai đoạn 2017-2020; Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025 (OCOP); Đề án Phát triển sản phẩm chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030… trong đó có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, các HTX, liên hiệp HTX, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới, đầu tư cho sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, hữu cơ; hình thành liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị, kết nối thị trường, gắn sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP. Đây là những định hướng, chính sách quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.


Ảnh: Mô hình chăn nuôi gà đồi theo hướng an toàn sinh học của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh xã Tân Khánh, huyện Phú Bình

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhiều chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hiện nay như chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, hỗ trợ sản xuất an toàn, hữu cơ (phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, chứng nhận GAP, Oganic), hỗ trợ ứng dụng công nhệ cao (nhà màng, nhà luới,…) được thực hiện thông qua các hợp tác xã hoặc các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Giai đoạn 2016-2020, đã hỗ trợ 132 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với tổng số vốn 82 tỷ đồng; bố trí trên 60 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014.

Ảnh: Quang cảnh khu vực sản xuất chè của HTX Chè La Bằng, huyện Đại Từ

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 42 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến sản phẩm (công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động; quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản an toàn theo VietGAP, hữu cơ; công nghệ xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản...); trong 76 sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên có 54 sản phẩm của 23 hợp tác xã được đánh giá đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 71%), đặc biệt có 02 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá 5 sao; có 58 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi hoạt động sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; 29 hợp tác xã, tổ hợp tác được cấp chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn; 03 HTX (HTX chè La Bằng, HTX chè Khe Cốc, HTX chè Hảo Đạt) đã sử dụng các trang, sàn thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại; trên 50% số HTX nông nghiệp đã sử dụng mạng xã hội để thông tin, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã, tổ hợp tác đang được phân phối tại các siêu thị, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Ảnh: Sản phẩm Mỳ gạo bao thai Định Hóa đạt tiêu chuẩn 03 sao OCOP của Hợp tác xã Chăn nuôi sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng, huyện Định Hóa được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên Sàn thương mại điện Voso.vn

Với các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 406 hợp tác xã và 04 Liên hiệp hợp tác xã; 137/137 xã đều có ít nhất 01 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (một số xã có từ 3-5 HTX nông nghiệp cùng hoạt động). Trong đó, nhiều hợp tác xã đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương, tiêu biểu như: Hợp tác xã Chè Hảo Đạt; Hợp tác xã Chè La Bằng, Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc; Hợp tác xã Chè Tuyết Hương, Hợp tác xã Gà đồi Đông Thịnh, Hợp tác xã rau an toàn Đông Cao, Hợp tác xã rau củ quả an toàn Dương Thành, Hợp tác xã rau an toàn Hùng Sơn, Hợp tác xã miến Việt Cường, … nhiều sản phẩm của các hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Nhờ tập trung khuyến khích tăng số lượng, quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã đã từng bước nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, qua đó đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, như các vùng sản xuất chè VietGAP, hữu cơ, vùng sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, vùng sản xuất cây ăn quả, vùng chăn nuôi gà đồi; qua đó góp phần quan trọng đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đến nay toàn tỉnh có 76% số xã đạt chuẩn NTM; 33,33% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM; trên 87,6% số xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất; năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 41,7 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3,81 lần so với năm 2010); diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi rõ nét, văn hoá phát triển, môi trường được bảo vệ, an ninh chính trị ổn định.

Ảnh: Không gian quảng bá, giới thiệu và trưng bày sản phẩm chè của Hợp tác xã nông nghiệp thương mại – dịch vụ Saemaul Phú Nam 1, xã Phú Đô, huyện Phú Lương

Mặc dù vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong liên kết theo chuỗi giá trị gắn với hàng hóa sản phẩm chủ lực của tỉnh, Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã dần được khẳng định, nhưng trên thực tế, số lượng hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy tăng về số lượng nhưng quy mô hoạt động còn nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao. Trình độ quản lý điều hành của một số hợp tác xã còn yếu, lúng túng trong định hướng, xây dựng kế hoạch, giải pháp hoạt động, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể ở một số ít đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến hiệu quả hoạt động của một số hợp tác xã còn hạn chế.

Để thực hiện tốt vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong liên kết theo chuỗi giá trị gắn với hàng hóa sản phẩm chủ lực của địa phương, xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp như sau:

1. Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã quan tâm chỉ đạo việc tổ chức, củng cố phát triển kinh tế tập thể, HTX; vận động thành lập mới hợp tác xã nông nghiệp ở các địa bàn mà các sản phẩm chủ lực còn ít hoặc chưa có hợp tác xã; phát triển quy mô thành viên trong các hợp tác xã, bảo đảm các địa bàn sản xuất nông nghiệp trọng điểm đều có hộ nông dân tham gia liên kết hợp tác xã.

2. Đối với các HTX cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động, nhất là các chức danh: Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị; định kỳ bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên ngành cho các thành viên hợp tác xã; phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng, các sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm OCOP. Tăng cường liên kết, nhất là giữa HTX với HTX theo hướng thành lập Liên hiệp HTX, liên kết HTX với doanh nghiệp để tăng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đủ lớn, có sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản, như: áp dụng mã QR code trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tham gia các trang, sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin bán và mua hàng, …

3. Các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, …) tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Liên minh HTX tổ chức tuyền truyền vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia, thành lập các HTX./.

 


Tin và Ảnh: Anh Tuấn, Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 155725

XÃ TÂN CƯƠNG - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Xóm Nam Đồng, Xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Tiến Sỹ

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân xã Tân Cương. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 02083 546 629